Cốt thanh sợi thủy tinh FRP ( Fiber Reinforced Polymer)

Công ty FRP Việt nam chuyên sản xuất và cung cấp cốt thanh FRP là một dạng cốt composite dùng trong kết cấu bê tông và được gọi là kết cấu bê tông cốt composite hay gọi là kết cấu bê tông cốt sợi thủy tinh FRP.  

– Thanh cốt sợi polymer FRP (Fiber Reinforcement Polymer) có hình dáng bên ngoài giống như thanh thép dùng trong kết cấu bê tông cốt thép, nhưng là dạng thanh composit, chúng được làm bằng các sợi liên tục, ngâm tẩm trong chất kết dính bằng nhựa polymer. Chức năng của sợi là mang tải, chức năng của nhựa là kết dính các sợi, truyền tải trọng đến các sợi và bảo vệ chúng. Chất kết dính thường là nhựa epoxy, polyester và vinyl ester.

Việc sử dụng cốt composite trong kết cấu bê tông sẽ làm thay đổi tính chất cơ lý, độ bền cũng như tuổi thọ của kết cấu bê tông trong các công trình xây dựng.

 Thanh cốt sợi FRP có cường độ chịu kéo cao hơn (khoảng 200%) so với cốt thép, có trọng lượng bằng ¼ so với cốt thép, không bị ăn mòn trong môi trường xâm thực mạnh, không dẫn điện, không tạo ra từ trường và dẫn nhiệt rất thấp; Cốtthanh FRP rất thân thiện với môi trường.

 – Do thanh FRP có cường độ chịu kéo lớn nên có thể tận dụng để đặt trong vùng chịu kéo của kết cấu bê tông (hoàn toàn có thể thay thế vai trò của cốt thép chịu kéo);

– Do thanh FRP không bị ăn mòn trong môi trường xâm thực nên dùng phù hợp cho các công trình biển đảo, công trình hạ tầng và các kết cấu tiếp xúc với môi trường xâm thực nặng như trong công trình ven biển, hải đảo, các nhà máy hóa chất, kho muối,… thậm chí có thể dùng trong kết cấu bê tông dùng cát nhiễm mặn và nước biển;

– Do thanh FRP có trọng lượng bản thân nhỏ nên việc vận chuyển và lắp đặt trở nên dễ dàng, đặc biệt khi xây dựng các công trình trên các đảo xa;

– Do thanh FRP không dẫn điện, không nhiễm từ nên sẽ dùng thuận tiện cho các công trình đặc biệt khi cần có các yêu cầu trên;

– Không nên dùng cốt thanh FRP trong trường hợp chịu nén;

– Do thanh FRP có mô đun đàn hồi nhỏ (chỉ bằng khoảng 1/5 mô đun đàn hồi của thép ) khi dùng trong kết cấu sẽ gây biến dạng lớn. Vì vậy chỉ nên dùng trong các kết cấu khi mà điều kiện biến dạng cho phép theo quy phạm, hoặc không làm ảnh hưởng nhiều đến  khả năng sử dụng của kết cấu.

Cốt FRPcó thể sử dụng cho tất cả các loại bê tông trong xây dựng công nghiệp và dân dụng (bê tông nặng dùng xi măng pooc lăng, xi măng bền sunfast, bê tông cường độ cao, bê tông UHPC, bê tông nhẹ, bê tông mịn, bê tông xốp, bê tông thấm nước và bê tông dự ứng lực..v.v).

Tuy vậy thanh cốt sợi FRP có mô đun đàn hồi thấp, độ dãn dài thấp nên dễ xảy ra phá hoại giòn khi chịu tải trọng cực hạn. Chính vì vậy nên hầu hết các kết cấu bê tông có cốt FRP được tính toán với trạng thái giới hạn sử dụng (serviceability limit state) mà ít khi tính với trạng thái giới hạn phá hoại (ultimate limit state).

    

                            

        Biểu đồ quan hệ ứng suất – biến dạng của một số loại thanh FRP và cốt thép

Việc sử dụng cốt liệu gia cường composite FRP trong thi công và sản xuất các sản phẩm bê tông sẽ nâng cao và cải thiện được các tính chất cơ lý của bê tông đồng thời sẽ giảm được trọng lượng, chiều dày lớp bê tông bảo vệ, cũng như giảm chi phí và thời gian sản xuất.

  1. Quy trình sản xuất

Thanh cốt sợi FRP được sản xuất theo dây truyền bện từ các sợi thủy tinh ở dạng cuộn sợi, sau khi hình thành bó sợi thì các bó sợi được tẩm keo, chất đóng rắn và các hóa chất tương thích khác trước khi cho vào lò gia nhiệt, sau khi các thanh chạy qua hệ thống làm mát sẽ được cắt theo kích thước tiêu chuẩn là 11,7m  ( đối với những thanh có đường kính lớn hơn 10mm ), hoặc được cuộn lại thành từng cuộn (đối với những thanh có đường kính nhỏ hơn 10mm) theo chiều dài nhất định ( thường mỗi cuộn có chiều dài tổng cộng khoảng 100m )

                                                                         Sơ đồ dây truyền sản xuất thanh cốt sợi FRP

Vui lòng bấm vào đây để xem video dây truyền sản xuất của xưởng.

  1. Sản phẩm xuất xưởng.

 Nhà máy nhận cung cấp các sản phẩm sau :

  • Các thanh thẳng có đường kính danh nghĩa từ 4 đến 32mm , chiều dài tiêu chuẩn 11,7 m
  • Các thanh ở dạng cuộn có đường kính danh nghĩa từ 4- 10 mm , mỗi cuộn 100m
  • Các thanh đai kín , đai hở, thanh uốn dạng vai bò… theo yêu cầu thiết kế